ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN ỦY BAN DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2021-2026 VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN TIẾP THEO
Tóm tắt
Hệ thống cơ quan công tác dân tộc ở cấp Trung ương (cấp Bộ) hiện nay có Ủy ban Dân tộc; địa phương có Ban Dân tộc cấp tỉnh, Phòng Dân tộc cấp huyện là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Trước yêu cầu đổi mới của Đảng, Chính phủ đặt ra đối với công tác tổ chức bộ máy các cấp, trong giai đoạn hiện nay và bản thân nội tại mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban Dân tộc quá trình vận hành đã bộ lộ một số điểm hạn chế. Về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới” đã xác định: “Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” và thưc hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Về nội tại mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban Dân tộc qua 10 năm, từ 2010 đến nay đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế hoạt động của Ủy ban chưa rõ; Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện công tác dân tộc thiếu thống nhất... Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan quản Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2026 và định hướng giai đoạn tiếp theo” góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan công tác dân tộc là cần thiết.